Chọn lều cắm trại chống mưa dựa trên những tiêu chí nào ?

Chào bạn!

 

Xuất phát từ nhu cầu ngủ nghỉ, sinh hoạt trong các hoạt động ngoài trời nên những chiêc lều cắm trại với nhiều mẫu mã, kích thước, màu sắc khác nhau lần lượt ra đời và càng ngày càng được cải tiến với nhiều tiêu chí hơn như chống được mưa, chống được côn trùng, chống thấm đáy, chống tia UV,… Cùng với đó là một tiêu chí quan trọng là phải thật gọn thật nhẹ để có thể dễ dàng mang vác theo. Thế nên vật liệu được sử dụng để sản xuất lều cũng phải thật nhẹ, có thể gấp gọn lại được và không thấm nước.

 

Lều cắm trại chống mưa ban đầu rất phổ biến và đơn giản với 1 tấm chống mưa phủ phía trên được cột vào thân cây hoặc cây chống kéo căng theo hình chữ A để nước mưa dễ dàng chảy xuống nên lều này được gọi là lều chữ A

 

 

Lều cắm trại chữ A này chống mưa bằng cách ngăn nước mưa vào không gian sinh hoạt phía dưới lều và chảy qua hai bên theo chiều của mái lều. Lúc này lều chống được mưa nhưng nước mưa sẽ tạt vào hai bên, gió vào lều lạnh và côn trùng có thể xâm nhập vào lều khi có ánh sáng.

 

Sau đó để khắc phục tình trạng bị tạt vào hai bên, chống muỗi và côn trùng lều cắm trại được cải tiến kín cả 4 góc và đáy lều chống thấm, có cửa ra vào với lớp cửa có lớp lưới chống côn trùng. Nhỏ dần về phía đỉnh lều như hình một chiếc bánh ú, nên được gọi là lều bánh ú

 

 

Với lều này, nước mưa sẽ chảy từ trên đỉnh lều theo thành lều ( bằng vải chống thấm ) xuống đất. Sinh hoạt và ngủ nghỉ phía trong lều sẽ không bị mưa ướt. Tuy nhiên, lều cắm trại loại này sẽ bị nóng và không thể nhìn ra ngoài trời ngắm trăng ngắm sao và không gian tại nơi cắm trại. Nên lều cắm trại tiếp tục được cải tiến với hai lớp, lớp bên trong có lưới kín đảm bảo có thể chống được côn trùng và nhìn ra được xung quanh cùng với lớp bên ngoài là một tấm phủ được làm từ vật liệu chống mưa gắn vào thêm một cách nhanh chóng khi có trời mưa. Đây gọi là lều 2 lớp.

 

 

 

Tuy nhiên, lều cắm trại dù ở dạng sơ khai hay cải tiến với nhiều kiểu dáng, kích thước khác nhau và tương lai lều có cải tiến như thế nào đi chăng nữa thì khả năng chống mưa của lều phụ thuộc chủ yếu vào khả năng chống mưa của vật liệu cấu thành nên lều.

 

Vật liệu cấu thành nên lều ảnh hưởng đến khả năng chống mưa như thế nào ?

 

Hiện tại, tấm phủ chống mưa được sử dụng phổ biến là vải polyeste được phủ PU ( là 1 chất chống nước ) . Vải được phủ PU càng nhiều thì khả năng chống mưa càng tốt, nhưng nếu phủ quá nhiều PU thì vải sẽ trở nên khô, cứng và rất dễ rách. Giá của một chiếc lều cắm trại cao hay thấp cũng phụ thuộc vào vải được phủ PU nhiều hay ít. Hiện có rất loại lều giá rẻ trên thị trường giá chỉ từ 200.000 – 400.000/1 lều là do lều được làm từ vải có phủ PU ít, chỉ cần một cơn mưa nhỏ trong khoảng 5 – 20 phút là bạn có thể bơi luôn trong lều. Trong khi cũng cùng một kiểu dáng như vậy mà tấm vải được phủ PU nhiều hơn sẽ có giá chênh lệch cao hơn so với nó từ 300.000 – 600.000đ/ 1 lều.

 

Vật liệu ít phổ biến hơn nhưng DiCamTrai.com nghĩ sẽ ngày càng thay thế vải polieste phủ PU trong việc chống mưa trong thời gian tới ở thị trường Việt Nam đó là nylong phủ PU và vải Canvas. Đối với vải nylong phủ PU thì sẽ mang lại độ bền cho lều cao hơn, chịu được cơn mưa lâu hơn do thời gian thấm nước lâu hơn, tuy nhiên lại có 1 nhược điểm là vải nylong sẽ khiến trong lều nóng hơn so với vải polieste. Và đương nhiên, giá của một chiếc lều được làm bằng vải nylong sẽ cao hơn vải polieste với điều kiện cùng mẫu lều, cùng kích thước.

 

Vải canvas là một loại vải dày với khả năng chống mưa tốt nhất hiện nay. Ngoài ra vải canvas còn có thể chống nóng cho bên trong lều tốt hơn những loại vải khác, cùng với đó là màu sắc đẹp. Tuy nhiên, cũng có nhược điểm là nặng và giá thành cao.

 

 

Lý do tại sao DiCamTrai.com lại nói rằng vải nylong và vải canvas sẽ dần thay thế vải polieste ở thị trường Việt Nam trong thời gian tới đó chính là ở Việt Nam, lượng mưa rất lớn và kéo dài. Nên qua 1 thời gian, nhu cầu chống mưa cho chiếc lều của người sử dụng sẽ thay đổi. Người tiêu dùng sẽ cần một chiếc lều chống mưa thật tốt và có thể chịu được lượng mưa lớn như vậy trong 1 thời gian nhất định. Về điều này, thì vải nylong và vải canvas sẽ là một giải pháp thay thế tuyệt vời cho vải polieste phủ PU.

 

Khả năng chống mưa của lều có thể đo lường được không ?

 

Có, hiện tại khả năng chống mưa của lều thông qua chỉ số PU. Nếu như bạn đã từng tìm hiểu hoặc đã tìm mua lều thì sẽ bắt gặp thông tin của vải lều là PU 1500, PU 3000 và thậm chí là… PU 7000. Đối với những hàng outdoorgear nổi tiếng trên thế giới thì họ có những bài test một cách khoa học và đo lường những thông số cẩn thận mới công bố những con số này. Nhưng ở Việt Nam thì những con số hoàn toàn cảm tính, bạn chỉ có thể tin vào người bán và trải nghiệm thực tế về khả năng chống mưa của lều chứ không thể hoàn toàn tin vào những con số này được.

 

Lều vải canvas chống mưa tốt nhất hiện nay – DiCamTrai.com đã test thử lều với cơn mưa lớn kéo dài 4-5 tiếng tại TPHCM mà bên trong không hề có 1 giọt nước thấm vào.

 

MỜI BẠN XEM CLIP ĐỂ THAM KHẢO THÊM CÁCH TEST ĐỘ CHỐNG MƯA CỦA LỀU TỪ HÃNG COLEMAN

 

DiCamTrai.com có nói chuyện với 1 anh thiết kế lều chuyên gia công lều cho những hãng nổi tiếng trên thế giới. Anh bảo rằng chỉ số PU cao nhất mà khách hàng đặt gia công là 4000 nhưng rất hiếm . Thường chỉ là từ PU1500 – 3000 là đã chống mưa rất tốt rồi. Vậy mà ở Việt Nam có những nơi quảng cáo đến PU5000 và PU7000, thật là không thể tin được. Nếu điều đó là thật thì loại lều đó là vô đối ở Việt Nam luôn, vì lượng mưa trung bình hàng năm ở nước ta là từ 1000 – 2000mm. Do là con số trung bình nên ở những nơi cụ thể có thể sẽ lượng mưa sẽ cao hơn nhưng đến tận 7000mm thì chắc là nơi có lũ lớn do mưa. Vậy chiếc lều PU 7000mm nên thay đổi thành lều cắm trại chống lũ sẽ hay hơn và có thể được nhiều nhà tài trợ mua về ủng hộ đồng bào vùng lũ.

 

Nói ra đây không phải để chỉ trích hay nói xấu, chỉ muốn làm rõ là những con số này rất cảm tính ở Việt Nam và nhà sản xuất khi đưa ra thông số cũng nên hợp lí hoặc có cơ sở hẳn hoi.

 

Nhưng khả năng chống mưa của lều không chỉ có chỉ số PU, những tiêu chí sau bạn phải quan tâm để xem xét khả năng chống mưa của một chiếc lều cắm trại

 

Độ trượt nước : Nước mưa rơi xuống lều sẽ bị trượt trên lều để xuống đất, độ trượt nước của lều sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố.

  • Một là chỉ số PU, chỉ số càng lớn thì độ trượt nước sẽ tốt.
  • Hai là chiều cao của lều, lều càng cao thì hỗ trợ khả năng trượt nước nhanh hơn.
  • Ba là hình dáng của lều, những loại lều có phần trên nhỏ và mở rộng dần về đáy sẽ hỗ trợ nước trượt xuống đất nhanh hơn những loại lều có diện tích phía trên rộng.

Như vậy, một chiếc lều chống mưa tốt không nhất thiết phải có chỉ số PU quá cao, chỉ cần một chỉ số PU vừa đủ kết hợp với kiểu dáng và chiều cao của lều là sẽ hoàn hảo để lựa chọn

 

Thời gian thấm của vải lều : Dù là vải chống mưa có phủ PU nhưng nó chỉ chống mưa trong khoảng 1 thời gian nhất định. Sau 1 thời gian chịu mưa thì nước bắt đầu thấm vào vải và ướt lều. Thường thì vải polieste sẽ bị thấm nhanh hơn vải nylong và vải canvas sẽ lâu bị thấm nhất.

 

Ép keo đường may : Lều được ép keo đường may sẽ ngăn nước mưa thấm vào lều qua những đường chỉ may.

 

Độ phủ của tấm chống mưa ( đối với lều 2 lớp ) : Tấm phủ mà phủ kín toàn bộ lớp trong sẽ chống mưa tạt vào lều qua khoá kéo cửa chính ra vào hoặc cửa sổ.

 

Chúc bạn có thể chọn được một chiếc lều chống mưa ưng ý và hợp túi tiền mình nhất dựa trên những tiêu chí mà DiCamTrai.com chia sẻ!

 

XEM THÊM NHỮNG BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC : Kinh nghiệm chọn lều cắm trại

 

 

ĐĂNG KÍ NHẬN TƯ VẤN MUA LỀU & ĐỒ CẮM TRẠI 

PS : Nếu thấy bài viết này hữu ích hãy chia sẻ cho bạn bè được biết. Nếu có thắc mắc hoặc trao đổi hãy để lại bình luận bên dưới bài viết. Thanks!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.